Với một người bán đồ da thủ công như mình, luôn có một ước muốn tha thiết đó là khách hàng biết đánh giá đúng giá trị của món đồ mà họ mua. Giữa những câu quảng cáo hút khách tràn ngập facebook, những lời thề thốt của cửa hàng đồ da mọc lên như nấm sau mưa, khách vẫn biết được hàng nào xịn là an ủi mình lắm lắm.
Vẫn có vài khách hàng đến hỏi mình tại sao đồ da thủ công lại mắc thế, trong khi làm bằng tay, không chuyên nghiệp, không đúng tiêu chuẩn bằng những công ty lâu năm sản xuất đồ da được.
Nói về cái tinh hoa của đồ thủ công, sự độc đáo và cái hồn mà người làm truyền tải vào mổi sản phẩm là vấn đề mình đã nhắc đi nhắc lại nhiều lần, điều đó được chấp nhận hay không, còn tùy vào sự tinh tế của khách. Giống như những người yêu nét vẽ tay đầy cảm xúc của nhà sản xuất phim Ghibli hơn là những nét vẽ công nghệ nhanh chóng và chuẩn xác của phần lớn hãng phim khác. Những gì tinh hoa nhất luôn có hồn, đến từ trí óc và bàn tay của người thực, không phải từ một cỗ máy.
Thật dễ dàng để kiếm một nhà cung cấp đồ da công nghiệp trong thời buổi hiện nay. Bạn cứ ra cửa hàng khắc laser, hỏi người ta xưởng nào bán sỉ giá rẻ hay mang đồ đến đây khắc, người ta sẽ cho bạn hẳn mấy địa chỉ. Về loại da, lẫn mẫu mã, không khác nhau là mấy.
Dù những xưởng này chấp nhận in logo theo ý người đặt, nhưng bạn hãy để ý về loại da, lẫn đường may, không hề có bất kỳ sự khác biệt nào với những sản phẩm họ đã làm sẵn. Mà sản phẩm họ làm sẵn là gì, đó là những hàng fake Tommy, Chanel, Gucci…, được gắn mác dưới danh nghĩa hàng da thật. Bạn có nghĩ rằng hàng da làm dư của các thương hiệu lớn mà các nhà máy giữ lại có đủ để làm ra nhiêu đó hàng fake “với loại da chính hãng” hay không?
Tận dụng mối quan hệ với đứa bạn đang bán đồ da công nghiệp, mình có hẳn mấy chiếc ví đặt riêng từ xưởng để thử chất lượng. Không ví nào vượt qua 6 tháng sử dụng mà còn giữ được nguyên form ban đầu. Thậm chí có những loại ví còn được xưởng nhắc nhở mình nếu em lấy bán, chỉ bảo hành 1 năm thôi, vì năm thứ 2 là da này xuống cấp rồi. Ví đó, mình vẫn nhớ, dùng loại da Saffiano của Ý.
Những loại da mình chọn để làm hàng thủ công ở nhà, có da trong nước, da nước ngoài, nhưng không loại da nào tệ đến mức 1 năm hỏng cả. Da của Ý lại càng bền, sao có chuyện 1 năm xuống cấp? Ít nhất cũng phải được 5 năm sử dụng thường xuyên. Hơn nữa, đồ da thật dùng càng lâu càng đẹp, lên nước bóng và mềm. Lâu lâu vẫn có khách nhắn mình, ví dạo này mềm lắm thích lắm, không cứng như hồi đầu nữa. Thời gian là cách tốt nhất để phân biệt chất lượng ví.
|
Sự khác nhau trên đường may |
Đường may của hàng công nghiệp cũng khác hàng thủ công. Bạn nào học may sẽ hiểu, hàng may máy nếu đứt 1 mũi coi như xổ tung luôn, còn hàng may tay thì vẫn dùng tiếp được để chờ đến khi sửa. Đương nhiên, đứt là phải mang đi sửa, cứ để vậy dùng lâu dài đâu được :3
Ngay đến chỉ may cũng khác. Hàng công nghiệp dùng chỉ ở đâu mình không rõ, nhưng qua thử nghiệp thì thấy dễ bị đứt. Điều này dễ hiểu, khi bạn sản xuất hàng chục ngàn sản phẩm 1 lúc thì từng đồng tiết kiệm được của kim chỉ cũng trở thành một số tiền lớn, giảm chi phí bao nhiêu tốt bấy nhiêu. Hàng may công nghiệp rẻ hơn một phần nhờ vậy.
Hàng may thủ công ở mình, chỉ được dùng loại chỉ dầu chỉ sáp của những thương hiệu có tên tuổi, ngăn thấm nước vô lõi, được sản xuất riêng để may đồ da, thoải mái co giãn và ngâm nước thời gian dài.
Có người sẽ thích hàng rẻ, không quá chú tâm đến những thứ không nhìn thấy, có nhu cầu thay đổi mẫu mã thường xuyên, có người lại sẵn sàng trả giá cao cho một món đồ thật chất và dùng hàng chục năm không chán. Mình không phán xét về cách tiêu dùng, chỉ mong khách luôn biết được mình mua món gì, giá trị thế nào, để không còn phải ấm ức khi mua món đồ không ưng ý, về giá, hay về chất lượng.