Khi nhìn thấy một chiếc túi handmade, rất nhiều người đặt ra câu hỏi chiếc túi này làm như thế nào , có khó không , làm lâu không? Hôm nay trong bài viết này OLUG sẽ liệt kê ra các công đoạn để làm ra một chiếc túi cho các bạn. Một số bạn muốn học làm đồ da cũng có thể đọc bài viết và tìm hiểu.
Quy trình làm túi sẽ trải qua một số công đoạn chính.
1. Chọn da: Trước tiên là chọn da. Bạn có thể mua da trước rồi tìm kiếm kiểu phù hợp. Phải quyết định sản phẩm làm ra phục vụ cho mục đích gì trước khi đặt dao xuống rọc và cắt nát banh miếng da nhé.
2. Cắt da: Sau khi đã có kiểu hoặc xong giai đoạn định hình cái kiểu mình muốn làm, vẽ nó ra, càng chi tiết càng tốt. Giống như các thợ may, việc tính toán kích thước quyết định bạn sẽ cắt ra làm sao. Phải tính toán thật kỹ, cắt miếng nào trước miếng nào sau để không làm nát miếng da, da mắc lắm không nên hoang phí và sẽ thật bực bội nếu cắt xong cái túi thì phát hiện không đủ da để làm cái quai.
3. Đục lỗ: Sau khi đã cắt xong những miếng chính (chắc chắn trong quá trình làm sẽ phát sinh nhiều chỗ cần bổ sung), bạn làm tới công đoạn kẻ và đục lỗ. Việc đục lỗ này đòi hỏi sự kiên nhẫn và một cơ thể dẻo dai. Đây có lẽ là công đoạn tốn thời gian nhất. Thường thì dụng cụ đục lỗ trên thị trường có từ 3 đến 7 lỗ, tùy bạn mua. Tất nhiên càng nhiều lỗ sẽ tiết kiệm biết bao thời gian đục, nhưng nghiệt ngã là các lỗ đục này hiếm có cái nào khoảng cách thật đều và không lệch. Tôi thường chọn đồ đục 3 lỗ, cứ theo nguyên tắc lấy lỗ cuối tính là lỗ chuẩn để đục tiếp, thì có nghĩa mỗi lần đục bạn chỉ thêm được 2 lỗ, đây đúng là một quá trình gian nan đặc biệt với những dây dài như dây đeo quai túi. Mỗi lần đục xong cái này đứng lên là muốn xiểng niểng.
4. Khâu (may): Đục xong thì may nhé, việc quyết định chỉ may màu nào, tiệp màu da hay tạo sự tương phản là do bạn. Nhưng điều quan trọng là chọn kích cỡ chỉ, chỉ càng dày, kéo càng cực. Kim may da khá là to, nên nếu may lâu sẽ đau các đầu ngón tay, vì vậy cố gắng đục lỗ dứt khoát để kéo cây kim ngot ngào hơn, đỡ đau mà may cũng nhanh hơn.
5. Ráp: Phải tách việc may với ráp ra vì khi may bạn phải tính toán may cái nào trước cái nào sau, thì khi ráp lại mới ra được cái túi. Có những công đoạn không thể hoàn thành nếu chưa làm công đoạn trước đó. Nếu lỡ tay may nó vào rồi mà vẫn chưa đục lỗ làm nút, hoặc quên làm dây kéo thì có khi bạn phải tháo ra làm lại tự đầu. Mấy cái bước sai này là dễ làm nản chí anh hùng nhất nè. Đây cũng là công việc đòi hỏi sự tập trung nếu không sẽ rất mất thời gian làm đi làm lại.
6. Lớp lót: ui, cái công đoạn này mới là ngán nhất nè nhưng chắc là do bản thân tôi không thích chơi với vải thôi. Đến công đoạn may lót thì gần như túi sắp hoàn tất rồi. Lựa vải lót cũng là một nghệ thuật, việc đi kiếm vải lót phù hợp với màu da và kiểu cũng khá là cầu kỳ. Chọn được vải lót đẹp là thích lắm, vì khi may vào túi sẽ làm cái túi đẹp hơn nhiều. Có nhiều túi handmade trên thị trường không may lót, ý đồ là để cho bụi và như vậy sờ vào mới chứng tỏ là túi da thiệt. Nhưng không phải vậy, lớp lót rất quan trọng. Mặt trong của da thường bám rất nhiều hoá chất khi người ta thuộc da, rất là độc hại và không tốt cho sức khoẻ, vì vậy lớp lót là không thể thiếu, nó cũng góp phần làm cho cái túi của bạn có giá trị hơn.
7. Phụ kiện: Công đoạn này có khi sẽ phải làm song hành với khâu may và ráp. Bước này lúc nào cũng thú vị, khi quyết định may kiểu gì bạn hãy chọn trước phụ kiện phù hợp. Cần có sự đồng bộ giữa chất liệu phụ kiện. Nếu đã chọn màu vàng thì phải vàng xuyên suốt, trắng cũng vậy, màu đồng cũng vậy. Phụ kiện của một cái túi da quyết định rất lớn đến sự tinh tế của nó. Phụ kiện xấu, trông rẻ tiền sẽ phá hỏng hết công sức của bạn. Vụ phụ kiện này là một câu chuyện dài khi đi mua. Không có nhiều chọn lựa trên thị trường, chất lượng cũng đủ loại, đủ kiểu. Một trong những thú vui tao nhã của tôi khi làm túi là ngồi đếm phụ kiện, chọn chọn lựa lựa, bọc kỹ càng quý như vàng. Khá là vui.
8. Quét sơn (keo): Bạn có thấy thường các túi ở những đường may dính của hai miếng da luôn có một lớp sơn keo liền mạch không? Việc quét keo hay không do bạn tự quyết định, nó cũng góp phần tạo kiểu cho túi. Quét keo đòi hỏi sự tỉ mỉ nếu không nó sẽ lem luốt tùm lum. Tôi thì thường dùng cây cọ mảnh vẽ tranh sơn dầu của mình để quét keo, quét xong là hai cái tay dính màu keo tùm lum y như lúc vẽ tranh. Đến khi quét xong coi như bạn đã hoàn thành xuất sắc chiếc túi của mình và có thể mang đi khoe với thiên hạ.
Nguồn: Sưu Tầm